Zona
1. Bệnh zona là bệnh gì?
Bệnh zona, dân gian còn gọi là bệnh giời leo do virus varicella zoster (VZV) gây ra. Nếu một người nhiễm virus này lần đầu sẽ mắc bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh hoàn toàn, virus vẫn sẽ tồn tại trong cơ thể. Khi gặp các yếu tố thuận lợi (như tuổi cao, hệ miễn dịch suy yếu…) virus sẽ tái hoạt động và gây bệnh zona.
Hình 1. Virus varicella-zoster
(Nguồn: ASSET-2216902)
Bệnh zona có các biểu hiện như phát ban, nổi mụn nước trên da khiến người bệnh đau, ngứa và rát. Đau do zona là một triệu chứng phổ biến, không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Người trên 50 tuổi và người có hệ miễn dịch suy giảm do bệnh lý (như ung thư, ghép tạng, bệnh tự miễn, HIV/AIDS) có nguy cơ cao mắc zona và các biến chứng của bệnh.
2. Bệnh zona có lây không?
Bệnh zona không lây truyền trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, người bệnh zona có thể truyền virus varicella-zoster (VZV) cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các hạt virus từ mụn nước. Khi bị nhiễm virus lần đầu, người bệnh sẽ mắc thủy đậu thay vì bệnh zona.
3. Yếu tố nguy cơ của bệnh zona
Bất kỳ ai từng mắc thủy đậu đều có nguy cơ phát triển thành bệnh zona.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tái kích hoạt varicella-zoster virus (VZV) liên quan đến tuổi tác và khả năng miễn dịch suy giảm, bao gồm:
- Người lớn trên 50 tuổi
- Ung thư, đặc biệt là ung thư bạch cầu và ung thư hạch
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bao gồm steroid để điều trị đau khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tự miễn (lupus ban đỏ)…
- Người nhận ghép tạng
- HIV/AIDS
4. Bệnh zona có các dấu hiệu và triệu chứng gì?
Triệu chứng zona bao gồm phát ban, có thể gây đau, thường châm chích dưới da. Ban da thường phát triển ở một bên, vùng ngực hoặc ở mặt. Phát ban bao gồm các mụn nước thường đóng vảy sau 7 đến 10 ngày và hết trong vòng 2 đến 4 tuần.
Dấu hiệu sớm của zona
Người bệnh có thể bị đau hoặc châm chích dưới da. Đây là vùng da sẽ nổi ban da sau này. Điều này có thể xảy ra vài ngày trước khi phát ban xuất hiện. Có thể bị sốt trước khi phát ban xuất hiện.
Triệu chứng zona thường gặp nhất
- Phát ban
- Bệnh zona trên mặt có thể ảnh hưởng đến mắt và gây giảm thị lực. Điều này rất hiếm và thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc người cao tuổi
- Các triệu chứng khác: đau đầu, ớn lạnh, đau bụng.
Hình 2. Triệu chứng ban da
(Nguồn: ASSET-1822503)
5. Bệnh zona có nguy hiểm không?
Zona có thể gây các biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh trong tương lai.
Đau thần kinh sau zona (PHN) là biến chứng phổ biến nhất:
- PHN là tình trạng đau dai dẳng ở vùng da từng phát ban và có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi hết phát ban.
- PHN thường cực kỳ đau đớn, làm người bệnh không ngủ được, căng thẳng tâm lý… Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày.
- Người lớn tuổi mắc bệnh zona có nhiều khả năng phát triển PHN hơn và bị đau kéo dài và dữ dội hơn so với người trẻ tuổi mắc bệnh zona.
Các biến chứng khác của zona:
- Nếu zona ở mắt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như mất thị lực.
- Phát ban bệnh zona cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn.
Hình 3. Biến chứng zona ở mắt
(Nguồn: ASSET-2008891)
Một số biến chứng hiếm gặp như:
- Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)
- Vấn đề về thính giác
- Viêm não
6. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh zona?
Hình 4. Tiêm phòng là biện pháp ngừa zona hiệu quả
(Nguồn: Freepik, Accessed 8th May 2024)
Hãy gặp bác sĩ để tìm hiểu thêm biện pháp phòng ngừa bệnh zona hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Clinical overview of Herpes zoster (Shingles) | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/shingles/hcp/clinical-overview.html (Accessed 23 March 2024)\
2. Cause and transmission | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/shingles/about/transmission.html (Accessed 23 March 2024)
3. Signs and symptoms of shingles (Herpes zoster) | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/shingles/about/symptoms.html (Accessed 23 March 2024)
4. Complications of shingles (Herpes zoster) | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/shingles/about/complications.html (Accessed 23 March 2024)