HIỂU VỀ BỆNH

để chủ động phòng ngừa hiệu quả

Mục đích chủng ngừa là làm giảm tỷ lệ bệnh và tử vong 1,2,3

1. WHO Wkly Epidemiol Rec 2007; 82: 51–60;

2. WHO Wkly Epidemiol Rec 2011; 86: 301–16;

3. WHO Wkly Epidemiol Rec 2009; 84: 349–60;

Uốn ván

1. Uốn ván là bệnh gì?

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương và tạo ra chất độc tác động lên hệ thần kinh trung ương gây cứng cơ kèm theo co thắt đau đớn; có thể dẫn đến tử vong1.

 

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, thường gặp hơn ở những người chưa từng tiêm ngừa uốn ván hoặc không cập nhật mũi tiêm nhắc mỗi 10 năm2.

 

 

Hình 1. Vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani
(Nguồn: Freepik, Accessed 8th May 2024)

2. Nguyên nhân gây uốn ván

Vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) là nguyên nhân gây bệnh2. Nha bào của vi khuẩn uốn ván tồn tại khắp nơi trong môi trường, như là trong đất, trên bề mặt da và các dụng cụ gỉ sét như đinh, kim, dây thép gai. Khi xâm nhập vào cơ thể, nha bào sẽ phát triển thành vi khuẩn và gây bệnh.

 

Nha bào uốn ván có thể tồn tại rất lâu ngoài môi trường. Thậm chí, sau 5 năm ở trong đất chúng vẫn còn khả năng gây bệnh. Tuy nhiên, nha bào có thể chết khi tiếp xúc với dung dịch sát trùng như phenol, formalin từ 8-10 tiếng hoặc khi bị đun sôi 30 phút.

3. Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thế nào?

Bệnh uốn ván lây truyền khi nha bào của vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua các thương tổn trên da hoặc vết thương hở như3,4:

 
  • Vết thương nhiễm đất, bụi đường, phân người hoặc súc vật.
  • Vết cắt trên da do đồ vật sắc nhọn (kim tiêm hoặc đinh)
 

 

Hình 2. Chân dẫm phải đinh gỉ sét

(Nguồn: GSK)

 
  • Bỏng
  • Vết thương có mô chết 
  • Một số trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. 
 

Trẻ sơ sinh có thể mắc uốn ván sơ sinh khi nha bào uốn ván xâm nhập vào cuốn rốn. Nguyên nhân là do dùng các dụng cụ không được vô trùng để cắt dây rốn hoặc trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván. 

 

Bệnh uốn ván không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

4. Các triệu chứng của bệnh uốn ván

Triệu chứng uốn ván thường xuất hiện 3 đến 21 ngày sau nhiễm khuẩn, hầu hết là 10 ngày với các triệu chứng bao gồm5:

 
  • Cứng hàm
  • Co cứng cơ bụng: thường là dấu hiệu uốn ván sớm ở người lớn
  • Đau nhức cơ bắp
  • Chứng khó nuốt
  • Động kinh
  • Cứng hoặc đau ở cơ cổ, vai và lưng
  • Thay đổi huyết áp và nhịp tim
 

Một số bệnh nhân bị co cứng toàn thân dữ dội và đau đớn. Trong các cơn co thắt toàn thân, người bệnh có thể bị giảm thông khí, ngưng thở hoặc co thắt thanh quản.

5. Uốn ván có nguy hiểm không?

Uốn ván là một bệnh nguy hiểm và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm5:

 
  • Co thắt thanh quản (dây thanh quản bị thắt chặt không kiểm soát/không tự nguyện)
  • Gãy xương
  • Khó thở
  • Thuyên tắc phổi (cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu của phổi)
  • Viêm phổi do hít phải (một bệnh nhiễm trùng phổi khi nước bọt hoặc chất nôn vô tình đi vào phổi)
 

Uốn ván có thể gây tử vong với tỉ lệ 1-2 ca trên 10 ca mắc bệnh.

6. Những ai có nguy cơ mắc uốn ván?

Uốn ván thường gặp ở người trung niên trở lên vì trẻ em được tiêm vắc xin phòng uốn ván theo chương trình tiêm chủng mở rộng nên ít khi bị. Trong khi đó, người lớn tuổi không được tiêm vắc xin phòng uốn ván hoặc không được tiêm nhắc lại đầy đủ nên khả năng bảo vệ giảm theo thời gian2.

 

Một số yếu tố nguy cơ mắc uốn ván khác, bao gồm:

 
  • Tuổi cao: 70 tuổi trở lên
  • Có bệnh đái tháo đường (tiểu đường)
  • Có tiền sử bị ức chế miễn dịch
  • Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch
 

Khi người lớn tuổi mắc bệnh uốn ván, bệnh nhân thường có sẵn bệnh nền nên diễn biến phức tạp, kéo theo thời gian điều trị nằm viện kéo dài, chi phí gia tăng.

 

 

Hình 3: Người lớn tuổi khi mắc uốn ván có diễn biến bệnh phức tạp
(Nguồn: Freepik, Accessed 8th May 2024)

7. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh uốn ván?

Tiêm ngừa6

 

Hiện nay, đã có vắc xin phòng ngừa bệnh uốn ván. Đây cũng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa căn bệnh này.

 

Hiện nay, dành cho người lớn có hai loại vắc xin phòng bệnh uốn ván ở dạng phối hợp bao gồm:

 
  • Vắc xin 3 trong 1 Tdap (ngừa 3 bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván): chỉ định cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn 
  • Vắc xin Td (phòng ngừa 2 bệnh bạch hầu và uốn ván): chỉ định cho trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn
 

Phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin Tdap ở tuần thai thứ 27 đến 36, bất kể thời điểm được tiêm ngừa lần cuối cùng trước đó. 

 

Hãy gặp bác sĩ để tìm hiểu thêm thông tin về bệnh và việc chủng ngừa uốn ván cho bản thân và gia đình của bạn.

 

Chăm sóc vết thương7

 

Việc chăm sóc vết thương kịp thời và đúng cách cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng uốn ván:

 
  • Sơ cứu các vết thương, bất kể vết thương nhỏ và không nhiễm trùng như mụn nước, vết trầy xước trên da
  • Rửa tay sạch và thường xuyên với xà phòng và nước hoặc sử dụng nước rửa tay có cồn
 

Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có thắc mắc hoặc cần được tư vấn thêm về bệnh uốn ván

 

Tài liệu tham khảo: 
1.    World Health Organization: WHO. (2023, August 24). Tetanus. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/tetanus (Accessed March 24, 2024)
2.    Tetanus: for Clinicians | CDC. (n.d.-c). https://www.cdc.gov/tetanus/clinicians.html (Accessed March 24, 2024)
3.    BỆNH UỐN VÁN. (n.d.). BỆNH UỐN VÁN. https://vncdc.gov.vn/benh-uon-van-nd14517.html (Accessed March 24, 2024)
4.    Tetanus causes and how it spreads | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/tetanus/about/causes-transmission.html (Accessed March 24, 2024)
5.    Tetanus symptoms and complications | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/tetanus/about/symptoms-complications.html (Access March 24, 2024)
6.    Tetanus Prevention | CDC. (n.d.-b). https://www.cdc.gov/tetanus/about/prevention.html (Access March 24, 2024)
7.    Diphtheria, tetanus, and whooping cough vaccination. (2024, April 24). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/dtap-tdap-td/public/index.html (Access March 24, 2024)

Code: NP-VN-AVU-WCNT-240002 ADD 07/2024

Tài liệu dành cho công chúng

Tiêm chủng cần cho bạn Lịch tiêm ngừa Địa điểm tiêm ngừa