HIỂU VỀ BỆNH

để chủ động phòng ngừa hiệu quả

Mục đích chủng ngừa là làm giảm tỷ lệ bệnh và tử vong 1,2,3

1. WHO Wkly Epidemiol Rec 2007; 82: 51–60;

2. WHO Wkly Epidemiol Rec 2011; 86: 301–16;

3. WHO Wkly Epidemiol Rec 2009; 84: 349–60;

Viêm gan B

1. Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus viêm gan B (hepatitis B virus) gây ra. Viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan nguyên phát (chiếm 80% các ca)1

 

Hình 1. Virus viêm gan B (Hepatitis B virus - HBV)
(Nguồn: Freepik, accessed 8th May 2024)

 

Bệnh có 2 giai đoạn: cấp tính và mạn tính. Tình trạng cấp tính diễn ra thường ngắn hạn và sẽ hồi phục sau đó. Tuy nhiên, một số trường hợp tiến triển bệnh thành mạn tính, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng2.

 

Hiện nay, biện pháp tốt nhất phòng ngừa viêm gan B là tiêm vắc xin2. Vì vậy, hãy cùng tiemngua tìm hiểu bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm gan B nhé! 

2. Thế nào là Viêm gan B cấp tính?

Viêm gan B cấp tính là tình trạng bệnh ngắn hạn xảy ra trong vòng 6 tháng đầu tiên sau khi một người nhiễm virus viêm gan B. Một số người bị viêm gan B cấp tính không có triệu chứng nào hoặc chỉ bị bệnh nhẹ. Đối với những người khác, viêm gan B cấp tính có thể gây ra bệnh nặng hơn và phải nhập viện.2

3. Thế nào là Viêm gan B mạn tính?

Viêm gan B mạn tính là tình trạng nhiễm trùng kéo dài suốt đời. Theo thời gian, viêm gan B mạn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.2

4. Bệnh lây truyền như thế nào?

Viêm gan B là bệnh có khả năng lây nhiễm cao gấp 100 lần so với virus HIV gây bệnh AIDS. Trong đó, có 3 con đường lây nhiễm viêm gan B2:

 

Lây qua đường máu 

 

Một số tình huống có thể lây nhiễm viêm gan B như dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ y khoa có nhiễm máu người bệnh; dùng chung đồ vật cá nhân (bàn chải, dao cạo râu); tiếp xúc với máu hoặc vết thương hở người bệnh.

 

Lây qua đường tình dục

 

Quan hệ tình dục không an toàn bất kể đồng giới hay khác giới có thể bị lây nhiễm viêm gan B.

 

Lây truyền từ mẹ sang con

 

Người mẹ mắc viêm gan B có thể truyền virus sang cho con, ngay cả khi không có triệu chứng, con của họ có nguy cơ rất cao bị nhiễm bệnh khi sinh hoặc ngay sau đó, trừ khi em bé được tiêm huyết thanh miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) và liều vắc xin viêm gan B đầu tiên ngay sau khi sinh.

 

Virus viêm gan B KHÔNG THỂ lây thông qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn, và không thể lây qua tiếp xúc thường quy (hắt hơi, ho, ôm hôn).

5. Ai có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B?

Những người có nguy cơ cao mắc viêm gan B bao gồm3:

 
  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B
  • Người bị viêm gan C
  • Những người tiêm chích ma túy hoặc dùng chung kim tiêm, ống tiêm 
  • Bạn tình của người bị viêm gan B
  • Những người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Người nhiễm HIV
  • Đàn ông quan hệ tình dục đồng giới
  • Những người sống chung với người bị viêm gan B
  • Nhân viên y tế tiếp xúc với máu khi làm việc
  • Người đang chạy thận nhân tạo

6. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm gan B là gì

Viêm gan B cấp tính2

 

Người bệnh viêm gan B cấp tính có thể không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng từ nhẹ đến vừa, hoặc hiếm gặp hơn là tình trạng viêm gan tối cấp. Dấu hiệu và triệu chứng bệnh khác nhau theo độ tuổi, có thể bao gồm:

 
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn
  • Đau cơ/ khớp
  • Ban ngoài da
  • Vàng da
  • Nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu
 

Hình 2: Bác sĩ khám và tư vấn bệnh gan
(Nguồn: Freepik, Accessed 8th May 2024)

 

Viêm gan B mạn tính2

 

Hầu hết người mắc bệnh viêm gan B mạn tính không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, không cảm thấy mệt mỏi và không có triệu chứng trong nhiều năm. 

 

Viêm gan B mạn tính có thể phát triển thành một căn bệnh nghiêm trọng dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài, bao gồm tổn thương gan, suy gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.

7. Làm thế nào để phòng ngừa nhiễm viêm gan B?

Tiêm vắc xin viêm gan B là biện pháp an toàn và hữu hiệu nhất để phòng ngừa căn bệnh này. Người lớn trên 18 tuổi được khuyến nghị tiêm vắc xin ngừa viêm gan B nếu chưa tiêm đủ và cần làm xét nghiệm trước khi tiêm.4

 

Hiện có vắc xin ngừa viêm gan B đơn và vắc xin kết hợp ngừa 2 bệnh viêm gan A và B. 

 

Hãy gặp bác sĩ để tìm hiểu thêm thông tin về bệnh và việc chủng ngừa viêm gan B cho bản thân và gia đình bạn.

 

Tài liệu tham khảo:
1.    El-Serag HB. Epidemiology of viral hepatitis and hepatocellular carcinoma. Gastroenterology. 2012 May;142(6):1264-1273.e1. doi: 10.1053/j.gastro.2011.12.061. PMID: 22537432; PMCID: PMC3338949.
2.    What is Viral Hepatitis? | CDC. (n.d.). https://cdc.gov/hepatitis/abc/index.htm (Accessed 23/03/2024)
3.    Hepatitis B questions and answers for health professionals | CDC. (2022, March 30). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/hbvfaq.htm#overview (Accessed 23/03/2024)
4.    Hội Y học Dự Phòng Việt Nam. (2023). Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam (2nd ed.). Nhà xuất bản Y học.

Code: NP-VN-AVU-WCNT-240002 ADD 07/2024

Tài liệu dành cho công chúng

Tiêm chủng cần cho bạn Lịch tiêm ngừa Địa điểm tiêm ngừa