Ho gà
1. Bệnh ho gà là gì?
Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính phổ biến do vi khuẩn ho gà - Bordetella pertussis gây ra. Theo tổ chức y tế thế giới, năm 2018 ước tính có hơn 151 nghìn ca mắc ho gà trên toàn thế giới1.
Ho gà là bệnh rất dễ lây lan và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, người lớn trên 50 tuổi có nguy cơ cao hơn gặp biến chứng của bệnh2,3.
Chủng ngừa là biện pháp phòng bệnh tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi bệnh ho gà4.
Hình 1. Vi khuẩn Bordetella pertussis
(Nguồn: Freepik, Accessed 8th May 2024)
2. Đường lây truyền của bệnh ho gà
Bệnh ho gà có thể lây trực tiếp từ người sang người thông qua nước bọt hoặc chất tiết đường hô hấp mà người bệnh phát tán ra môi trường khi ho, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc với đồ vật có chất tiết (ở mũi, họng, đờm…) của người bệnh5.
Ho gà là một bệnh có khả năng lây lan cao. Trong cộng đồng chưa được tiêm chủng, 1 ca ho gà có thể lây cho 12-17 ca khác6.
3. Bệnh ho gà có nguy hiểm không?
3.1. Triệu chứng khi mắc ho gà
Triệu chứng điển hình của ho gà thường gặp ở trẻ em dưới 6 tháng đến 1 tuổi7:
- Khởi phát: sốt nhẹ, hắt hơi, ho nhẹ và chảy nước mũi như cảm lạnh thông thường.
- Sau 1-2 tuần, cơn ho trở nên trầm trọng hơn như ho dồn dập, rũ rượi từng cơn liên tục không thể kìm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy.
Hình 2. Ho kéo dài có thể là triệu chứng của ho gà
(Nguồn: Freepik, Accessed 8th May 2024)
Trẻ lớn và người lớn thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình biểu hiện bằng các cơn ho kéo dài, nhưng chính vì thế họ chính là nguồn lây lan tiềm ẩn trong cộng đồng8.
3.2. Biến chứng của bệnh ho gà
Người cao tuổi và/hoặc có bệnh lý nền có thể bị tổn thương trước các hậu quả của bệnh ho gà và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:
- Ở người lớn trên 50 tuổi, sức đề kháng suy giảm, việc mắc ho gà gây cơn ho kéo dài, có thể dễ dẫn đến viêm phổi và làm tăng tỷ lệ tử vong2,9.
- Người bệnh hen suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bị nhiễm ho gà làm tăng nguy cơ nhập viện, viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, khó thở và góp phần làm tăng cơn cấp của COPD10.
Ngoài ra, nếu tình trạng ho trở nặng, người lớn có thể gặp các vấn đề như bất tỉnh, gãy xương sườn, mất kiểm soát bàng quang hoặc sút cân11.
4. Phòng ngừa bệnh ho gà
Chủng ngừa là biện pháp an toàn và hữu hiệu nhất để bảo vệ bản thân và người xung quanh bạn khỏi bệnh ho gà.7
Hiện nay, dành cho người lớn có vắc xin phòng bệnh ho gà ở dạng phối hợp là vắc xin 3 trong 1 (Tdap) nhằm ngừa 3 bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván. Lịch tiêm:
- Tiêm 1 liều vắc xin ho gà ở khi trẻ 4-7 tuổi,
- Trẻ sau 9-15 tuổi hay người lớn tiêm nhắc mỗi 10 năm,
- Người lớn trên 65 tuổi tiêm liều duy nhất.
Theo khuyến cáo của hội Y học Dự phòng, ở người có bệnh mạn tính như bệnh phổi (COPD, hen phế quản,), tim mạch, đái tháo đường nên được tiêm nhắc lại vắc xin ho gà vô bào – bạch hầu – uốn ván (Tdap) mỗi 10 năm.
Hãy gặp bác sĩ để tìm hiểu thêm thông tin về bệnh và việc chủng ngừa ho gà cho bản thân và gia đình bạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. World Health Organization: WHO. (2019, November 7). Pertussis. https://www.who.int/health-topics/pertussis#tab=tab_1, (Accessed 21 March 2024)
2. De Serres G et al. J Infect Dis 2000;182:174–179;
3. Riffelmann M et al. Dtsch Arztebl Int 2008;105:623–628;
4. Whooping cough (Pertussis) | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/pertussis/index.html, (Accessed 21 March 2024)
5. Pertussis causes and how it spreads | CDC. (n.d.-c). https://www.cdc.gov/pertussis/about/causes-transmission.html, (Accessed 21 March 2024)
6. Kilgore, P. E., Salim, A. M., Zervos, M. J., & Schmitt, J. (2016). Pertussis: Microbiology, Disease, Treatment, and Prevention. Clinical Microbiology Reviews, 29(3), 449-486. https://doi.org/10.1128/CMR.00083-15
7. Hội Y học Dự Phòng Việt Nam. (2023). Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam (2nd ed.). Nhà xuất bản Y học.
8. Signs and symptoms of whooping cough (Pertussis) | CDC. (n.d.-b). https://www.cdc.gov/pertussis/about/signs-symptoms.html, (Accessed 21 March 2024)
9. Liu BC et al. Clin Infect Dis 2012;55:1450–1456
10. Macina D, Evans KE. Infect Dis Ther 2021;10:1141–1170
11. Complications of whooping cough (Pertussis) | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/pertussis/about/complications.html, (Accessed 21 March 2024)
12. Preventing Whooping cough (Pertussis) | CDC. (n.d.). https://cdc.gov/pertussis/about/prevention/index.html, (Accessed 21 March 2024)