Bệnh do phế cầu khuẩn
1. Bệnh do Phế cầu khuẩn là gì?
Bệnh do Phế cầu khuẩn là các bệnh gây ra do vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumonia1. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh phế cầu; Tuy nhiên, các trường hợp nặng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn từ 50 tuổi trở lên và những người có bệnh mạn tính2.
Tiêm phòng phế cầu khuẩn là biện pháp tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người xung quanh bạn khỏi căn bệnh này3.
Hình 1. Vi khuẩn Streptococcus pneumonia
(Nguồn GSK Brandhub, Accessed 8th May 2024)
2. Bệnh do phế cầu lây truyền như thế nào?
Phế cầu lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp (nước bọt hoặc nhầy mũi) khi người bệnh ho, hắt hơi; hoặc khi người khỏe mạnh tiếp xúc với đồ vật có nhiễm vi khuẩn.4
3. Ai có nguy cơ cao mắc bệnh phế cầu?
Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh do phế cầu.4
Một số tình trạng bệnh lý và yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn, bao gồm:
- Nghiện rượu
- Bệnh tim, thận, gan hoặc phổi mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn)
- Hút thuốc lá
- Bệnh tiểu đường
- Tình trạng suy giảm miễn dịch (có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh hoặc do sử dụng thuốc)
4. Triệu chứng và biến chứng của bệnh phế cầu
Bệnh do phế cầu khuẩn có thể gây nhiều loại nhiễm trùng khác nhau. Các triệu chứng phụ thuộc vào bộ phận cơ thể mắc bệnh.5
Viêm phổi
Các triệu chứng của viêm phổi do phế cầu khuẩn bao gồm: Sốt và ớn lạnh, ho, thở nhanh hoặc khó thở, đau ngực.
Người lớn tuổi bị viêm phổi do phế cầu khuẩn có thể bị lú lẫn, mất tỉnh táo.
Các biến chứng của viêm phổi do phế cầu khuẩn bao gồm: viêm mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim, tắc nghẽn nội phế quản, xẹp phổi hoặc áp xe phổi.
Hình 2. Biểu hiện đau ngực ở người cao tuổi
(Nguồn: Freepik, Accessed 8th May 2024)
Viêm màng não
Khoảng 1 trong 6 người lớn tuổi bị viêm màng não do phế cầu khuẩn sẽ chết vì nhiễm trùng. Những người sống sót có thể gặp các vấn đề lâu dài, chẳng hạn như mất thính giác.
Nhiễm trùng máu
Khoảng 1 trong 8 người lớn có thể tử vong khi bị nhiễm khuẩn máu do phế cầu. Với những người sống sót có thể gặp di chứng phải cắt cụt chi.
5. Phòng ngừa bệnh do phế cầu
Tiêm phòng là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh do phế cầu khuẩn3.
Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa phế cầu khuẩn cho người cao tuổi (trên 60 tuổi), hoặc người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi mắc phải cộng đồng và đái tháo đường2.
Hãy gặp bác sĩ để tìm hiểu thêm thông tin về bệnh và việc chủng ngừa phế cầu cho bản thân và gia đình bạn.
Tài liệu tham khảo:
1. Pneumococcal Disease | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/pneumococcal/index.html, (Accessed May 9, 2024)
2. Hội Y học Dự Phòng Việt Nam. (2023). Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam (2nd ed.). Nhà xuất bản Y học.
3. Pneumococcal Disease: Prevention | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/pneumococcal/about/prevention.html (Accessed May 9, 2024)
4. Pneumococcal disease: risk factors and how it spreads | CDC. (n.d.-b). https://www.cdc.gov/pneumococcal/about/risk-transmission.html (Accessed May 9, 2024)
5. Symptoms and complications of pneumococcal disease | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/pneumococcal/about/symptoms-complications.html, (Accessed May 9, 2024)