HIỂU VỀ BỆNH

để chủ động phòng ngừa hiệu quả

Mục đích chủng ngừa là làm giảm tỷ lệ bệnh và tử vong 1,2,3

1. WHO Wkly Epidemiol Rec 2007; 82: 51–60;

2. WHO Wkly Epidemiol Rec 2011; 86: 301–16;

3. WHO Wkly Epidemiol Rec 2009; 84: 349–60;

Viêm gan A

1. Viêm gan A là bệnh gì?

Viêm gan A là bệnh gan do virus viêm gan A (hepatitis A virus – HAV) gây ra. Đây là bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Những người nhiễm vi rút viêm gan A có thể cảm thấy khó chịu trong một thời gian, từ vài tuần đến vài tháng nhưng thường hồi phục hoàn toàn và không có tổn thương gan kéo dài1.

 

Trong một số trường hợp, viêm gan A có thể gây suy gan và thậm chí đẫn đến tử vong; điều này phổ biến hơn ở người lớn tuổi và ở những người có các bệnh nghiêm trọng khác, chẳng hạn như bệnh gan mạn tính, như đang nhiễm viêm gan B hoặc viêm gan C2.

Hình 1. Virus viêm gan A (hepatitis A virus – HAV)
(Nguồn: Freepik, Accessed 8th May 2024)

2. Bệnh lây truyền như thế nào?

Vi rút viêm gan A được tìm thấy trong phân và máu của người nhiễm bệnh và lây truyền qua đường tiêu hóa (đường phân – miệng). Tức là khi người khỏe mạnh ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm vi rút, thường thông qua:

 

Tiếp xúc giữa người với người

 

Viêm gan A có thể lây qua tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như:

 
  • Sử dụng chung đồ dùng cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn, bàn chải đánh răng…) với người mắc bệnh viêm gan A.
  • Chăm sóc người bị bệnh
  • Quan hệ tình dục với người bệnh

 

Ăn thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm vi rút viêm gan A

 
  • Người chế biến thực phẩm bị nhiễm vi rút viêm gan A hoặc không đảm bảo vệ sinh như rửa tay đúng cách trước khi chạm vào thức ăn
  • Ăn sống các loại động vật có vỏ (tôm, cua, sò, ốc…) từ nguồn nước bị ô nhiễm
  • Uống nước hoặc rửa thực phẩm qua nguồn nước bị ô nhiễm.
  • Đưa tay hoặc đồ vật nhiễm vi rút viêm gan A vào miệng

3. Triệu chứng của bệnh viêm gan A?

Không phải ai bị viêm gan A cũng có triệu chứng. Người lớn có nhiều khả năng biểu hiện triệu chứng hơn trẻ em. Mức độ nghiêm trọng của bệnh và nguy cơ tử vong cũng cao hơn ở các nhóm tuổi lớn hơn. Nếu có các triệu chứng, chúng thường xuất hiện từ 2 đến 7 tuần sau khi nhiễm vi rút và có thể bao gồm2:

 
  • Mệt mỏi, khó chịu
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng
 

Hình 2. Triệu chứng bị buồn nôn, đau bụng
(Nguồn: Freepik, Accessed 8th May 2024)

 
  • Vàng da hoặc vàng mắt
  • Sốt 
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc phân có màu sáng
  • Tiêu chảy
  • Đau khớp

 

Hình 3. Vàng mắt là triệu chứng thường gặp của Viêm gan A

(Nguồn: Freepik, Accessed 8th May 2024)

 

Các triệu chứng viêm gan A thường kéo dài dưới 2 tháng, mặc dù một số người có thể bị bệnh kéo dài đến 6 tháng.

4. Làm thế nào để phòng ngừa viêm gan A?

Một trong những biện pháp phòng ngừa viêm gan A an toàn và hiệu quả là tiêm ngừa vắc xin viêm gan A. Các đối tượng nên tiêm ngừa Viêm gan A bao gồm2:

 
  • Trẻ em
  • Người có nguy cơ cao mắc viêm gan A
    • Du khách quốc tế hoặc người sống tại các khu vực lưu hành viêm gan A từ trung bình đến cao
    • Người làm việc tại môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh
    • Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới
 
  • Người có nguy cơ cao mắc viêm gan A nặng hơn: 
    • Người mắc bệnh gan mạn tính (bệnh viêm gan B, viêm gan C)
    • Người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu (bệnh nhân HIV) 
 

Đồng thời, viêm gan A có thể được phòng ngừa bằng việc giữ vệ sinh cá nhân tốt và ăn uống sạch sẽ:

 
  • Ăn chín uống sôi
  • Thường xuyên rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn, nhất là sau khi đi vệ sinh hay chế biến thức ăn
  • Đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ nguồn nước và môi trường sống xung quanh.
 

Hãy gặp bác sĩ để tìm hiểu thêm thông tin về bệnh và việc phòng ngừa viêm gan A cho bản thân và gia đình bạn.

 

Tài liệu tham khảo:
1.    Hepatitis A - FAQs, Statistics, Data, & Guidelines | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/hepatitis/hav/index.htm (Accessed May 11, 2024)
2.    Hepatitis A FAQs | CDC. (2021c, February 17). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/hepatitis/hav/afaq.htm#overview (Accessed May 11, 2024)

Code: NP-VN-AVU-WCNT-240002 ADD 07/2024

Tài liệu dành cho công chúng

Tiêm chủng cần cho bạn Lịch tiêm ngừa Địa điểm tiêm ngừa