Viêm gan siêu vi B là một tình trạng viêm nhiễm nặng nề ở nhu mô gan và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do virus viêm gan siêu vi B gây ra.


virus viêm gan siêu vi B

HBVs
(Nguồn từ http://phil.cdc.gov)

Virus viêm gan siêu vi B lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch tiết của người nhiễm bệnh.

Hầu hết bệnh nhân người lớn sẽ phục hồi một cách hoàn toàn sau khi nhiễm virus viêm gan siêu vi B và không cần phải điều trị gì tiếp theo. Tuy nhiên, một số sẽ diễn tiến đến bệnh lý viêm gan mạn tính, sau đó là xơ gan và ung thư gan. Yếu tố nguy cơ cao nhất diễn tiến đến viêm gan siêu vi B mạn tính là việc phơi nhiễm với bệnh lúc còn nhỏ.

Bệnh lây lan như thế nào?

Bệnh viêm gan siêu vi B lây lan như thế nào

Virus viêm gan siêu vi B được tìm thấy trong máu và dịch tiết của người bị nhiễm bệnh. Người lành mang trùng (những người bị nhiễm virus trong nhiều năm nhưng không biểu hiện bất cứ triệu chứng gì) cũng có thể là nguồn lây truyền.

Một số tình huống hoặc hoạt động có thể có nguy cơ cao bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B bao gồm:

  • Một thương tổn hoặc bệnh lý cần đến các liệu pháp điều trị y tế có xâm nhập (ví dụ như tiêm truyền tĩnh mạch, truyền máu, khâu, phẫu thuật);
  • Điều trị nha khoa;
  • Tình dục không an toàn;
  • Sử dụng chung dụng cụ tiêm truyền hoặc các vật dụng cá nhân khác: bàn chải đánh răng, bông tai hoặc dao cạo râu;
  • Các thủ thuật có xuyên vào da (ví dụ như xăm mình, xỏ khuyên tai, châm cứu, sử dụng chung dụng cụ kiểm tra đường máu);
  • Các thủ thuật làm đẹp có nguy cơ cao gây thủng da (làm móng tay, móng chân);
  • Trẻ được sinh ra từ mẹ bị Viêm gan siêu vi B.

Virus không thể lây lan thông qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn, và không thể lây lan thông qua tiếp xúc thường quy. Virus viêm gan siêu vi B có thể sống bên ngoài cơ thể trong ít nhất 7 ngày.

Những ai có nguy cơ bị nhiễm bệnh?

Những người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh bao gồm:

  • Những người có hoạt động tình dục nguy cơ cao;
  • Có người thân hoặc tiếp xúc thường xuyên với những người đã bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B;
  • Những người tiêm ma tuý qua đường tĩnh mạch;
  • Những người cần được truyền máu hoặc các chế phẩm của máu;
  • Những người được ghép tạng hoặc những người có hệ miễn dịch bị suy yếu;
  • Những người làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe;
  • Khách du lịch đi đến các quốc gia có tỷ lệ lưu hành viêm gan siêu vi B cao.

Những đối tượng khác cũng có thể có nguy cơ nhiễm viêm gan siêu vi B. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ về trường hợp của bạn.

Các triệu chứng của viêm gan siêu vi B.

Hầu hết những người bị nhiễm virus đều không có triệu chứng. Nếu có xuất hiện thì các triệu chứng sẽ bao gồm sốt, mệt mỏi, giảm vị giác, buồn nôn/nôn, đau bụng, đau cơ/khớp, ban ngoài da, nước tiểu đậm màu, phân bạc màu và vàng da, các triệu chứng kéo dài trong thời gian từ 2 đến 4 tuần. Bệnh nhân có thể có cảm giác không khỏe trong thời gian nhiều tuần và có thể cần đến một năm mới có thể phục hồi. Thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi xuất hiện triệu chứng thông thường là 90 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 60 đến 150 ngày.

Hầu hết bệnh nhân người lớn sẽ phục hồi một cách hoàn toàn sau khi nhiễm virus viêm gan siêu vi B và không cần phải điều trị gì tiếp theo. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển thành viêm gan siêu vi B mạn tính và không được chẩn đoán. Những đối tượng này có thể làm lây truyền virus cho những người khác và cuối cùng tình trạng nhiễm mạn tính này có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.

Các khuyến cáo về việc tiêm phòng vắc-xin

Khuyến cáo nên tiêm phòng vắc-xin viêm gan siêu vi B cho các đối tượng có nguy cơ cao: tất cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ; các nhân viên y tế; những người có quan hệ tình dục không an toàn; những người nghiện chích ma túy; những người sống chung nhà với người bị nhiễm siêu vi B; những người đi du lịch tới vùng có tỷ lệ nhiễm siêu vi B cao; bệnh nhân đang được thẩm phân phúc mạc hay chạy thận nhân tạo; bệnh nhân có rối loạn đông máu, cần truyền các yếu tố đông máu. Những người chưa nhiễm viêm gan siêu vi B cũng nên tiêm phòng vắc-xin để chủ động phòng ngừa căn bệnh này.

Tại Việt Nam, vắc-xin Viêm gan siêu vi B được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, liều đầu tiên tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh và tiếp theo 3 liều lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng. vắc-xin viêm gan siêu vi B có thể được dùng ở dạng vắc-xin phối hợp giúp phòng ngừa thêm các bệnh lý khác trong cùng 1 mũi tiêm để giảm đau, giảm số lần tiêm cho trẻ.

Ở người lớn, vắc-xin viêm gan siêu vi B khuyến cáo tiêm 3 liều, trong thời gian 6 tháng, nhắc lại sau 5 năm.

Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin. Hãy hỏi các cán bộ y tế về những vấn đề bạn quan tâm và thông báo cho họ biết nếu bạn hoặc người thân của bạn xuất hiện các triệu chứng của các tác dụng phụ vì trong nhiều trường hợp có thể phải cần điều trị.

viêm gan b, viêm gan siêu vi b, viêm gan B

Thông tin tham khảo:

Australian Government Department of Health and ageing, The Australian Immunisation Handbook, 10th edition, 2013, pp.208-230

http://www.health.gov.au/internet/immunise/publishing.nsf/Content/Handbook10-home disclaimer

(được truy cập vào tháng 06/2013)

Viêm gan

Code: NP-VN-GVX-OGM-220001 ADD: 09/2022