Trên thế giới, trung bình mỗi 2 phút có 1 phụ nữ tử vong liên quan đến UTCTC và tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong liên quan đến UTCTC.

TS. BS. Lưu Văn Minh – Trưởng Khoa Xạ 2, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết: Số chẩn đoán mắc mới UTCTC mỗi năm là 5.174 trường hợp và trong đó, có đến 2.472 trường hợp tử vong liên quan đến căn bệnh này.

Đây là ung thư thường gặp thứ hai trong số các bệnh ung thư ở phụ nữ trong nhóm tuổi 15 – 44, giai đoạn đẹp nhất của người phụ nữ. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai đã quan hệ tình dục không phân biệt trình độ, dân tộc, khả năng tài chính và ảnh hưởng nhiều đến đời sống của phụ nữ.

Ung thư cổ tử cung gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người phụ nữ về cả thể chất lẫn tinh thần. Đầu tiên là những thay đổi về sức khỏe, bệnh nhân có thể có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, xuất huyết âm đạo bất thường (không đang ở chu kỳ kinh nguyệt hoặc số ngày kinh kéo dài hoặc số lượng bất thường), đau sau giao hợp. Bên cạnh đó, họ luôn cảm thấy hoang mang, lo sợ, buồn bã vì không bao giờ nghĩ rằng ung thư cổ tử cung có thể xảy đến với mình.

Vi rút HPV – nguyên nhân cần thiết gây nên 99% ca mắc UTCTC

HPV (Human papilloma virus) là một loại virus gây u nhú ở người. HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, "Nhiễm HPV qua đường sinh dục là phổ biến nhất thế giới. Nguy cơ nhiễm HPV gây ung thư xuất hiện ngay sau lần quan hệ tình dục đầu tiên và tiếp tục duy trì trong suốt đời sống tình dục của một phụ nữ. Đáng lưu ý, nhiễm HPV rất phổ biến, hơn 80% phụ nữ sẽ nhiễm HPV một lần trong đời", TS BS Minh nhấn mạnh.

HPV có thể tạm phân loại thành 2 nhóm gồm nguy cơ thấp (gây tổn thương lành tính) và nguy cơ cao (gây tổn thương tiền ung thư và ung thư). Trong nhóm nguy cơ cao thì HPV tuýp 16, 18, 31, 33 và 45... là 5 tuýp thường gặp nhất trong các sang thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển thành tổn thương tiền ung thư và UTCTC là, phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người; dùng thuốc tránh thai kéo dài; sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần); hút thuốc lá; tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2 (HSV2)...

UTCTC có thể phòng ngừa với vắc-xin đảm bảo an toàn

Chủng ngừa cùng với tầm soát tế bào bất thường ở cổ tử cung định kỳ là biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung tối ưu hiện nay.

Có một vài nghi ngại gần đây liên quan đến chất lượng và tác dụng phụ của vắc-xin ngừa UTCTC, TS BS Minh cho rằng tất cả những thông tin đó không có cơ sở khoa học vững vàng “Chích vắc-xin gây vô sinh là hoàn toàn không có cơ sở. Chích vắc-xin gây ung thư nhiều hơn thì càng phi khoa học, vì vắc-xin này là vắc xin tái tổ hợp, không có các DNA để là tác nhân gây bệnh, do đó không gây nhiễm cho cơ thể và càng không có những tác hại như một số thông tin được đề cập gần đây.”

Trong thời đại bùng nổ thông tin, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với những thông tin đa chiều, độc lập, phản biện; tuy nhiên, chúng ta cần kiểm chứng tính xác thực của những thông tin đó dưa trên các chứng cứ khoa học. Hiện chưa có chứng cứ y học rõ ràng trên toàn thế giới cho thấy vắc-xin ngừa HPV không an toàn. Các bạn cần lưu ý, UTCTC là một trong hai bệnh ung thư có thể ngăn ngừa và phòng tránh. Do đó, đừng để những lầm tưởng về vắc-xin ảnh hưởng đến cơ hội phòng bệnh cho chính bản thân mình ta và cả người thân trong gia đình,” bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Thông tin tham khảo

Tài liệu tại buổi trao đổi "Vắc- xin cho cả nhà - Gia đình yên tâm được bảo vệ".
1 http://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/benh-phu-khoa/ung-thu-co-tu-cung-can-benh-nguy-hiem-nhung-co-the-phong-ngua/
2 Centers for disease control and prevention (July, 2012). Cervical cancer facts, www.cdc.gov. Retrieved 19 December 2013 from http://www.cdc.gov/cancer/cervical/pdf/cervical_facts.pdf

Code: VN/CER/0027/16 15/09/2016