Bệnh phế cầu bao gồm một nhóm các bệnh lý gây ra do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, thường được gọi là phế cầu.

Có rất nhiều chủng vi khuẩn Streptococcus pneumoniae khác nhau, nhiều chủng thường trú trong mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh (những người này được gọi là người lành mang trùng).


Phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn (Nguồn Jupiter Images)

Vi khuẩn phế cầu gây ra nhiều bệnh lý khác nhau bao gồm những bệnh nhiễm trùng thường gặp với tần suất cao như viêm tai giữa hoặc viêm xoang, và những bệnh nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng như viêm phổi (nhiễm khuẩn ở phổi), nhiễm trùng máu và viêm màng não (màng bao bọc xung quanh nhu mô não).

Bệnh do phế cầu khuẩn lây lan như thế nào?

Bệnh phế cầu lây lan thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc, va chạm với người bị nhiễm bệnh qua các hành động như hắt hơi, ho, hôn, hoặc trẻ em chơi chung đồ chơi.

Những ai có nguy cơ bị nhiễm bệnh do phế cầu khuẩn?

Bệnh lý phế cầu thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và người lớn tuổi, đặc biệt là người già trên 85 tuổi.

Nguy cơ nhiễm vi khuẩn phế cầu và mắc bệnh lý nặng cũng cao hơn ở trẻ dưới 5 tuổi có các bệnh lý khác đi kèm, những người có hệ miễn dịch suy yếu, những người có các bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như đái tháo đường, các bệnh lý về gan, phổi, thận và tim và những người hút thuốc lá.


Phế cầu khuẩn

Trẻ nhỏ có nguy cơ cao
bị mắc bệnh do phế cầu

Các triệu chứng của bệnh do phế cầu?

Các triệu chứng của bệnh nhiễm phế cầu có thể mơ hồ và có thể thay đổi nặng nhẹ phụ thuộc vào cơ quan nào trong cơ thể bị nhiễm. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Viêm tai giữa (nhiễm trùng ở tai giữa) – đau tai, màng nhĩ sưng nề và đỏ, giảm thính lực, khó ngủ, sốt và bứt rứt;
  • Viêm xoang (nhiễm trùng ở xoang) – đau mặt, nghẹt mũi, chảy nước mũi màu vàng/xanh, đau đầu;
  • Viêm phổi (nhiễm khuẩn ở phổi) – sốt, ho, đau ngực và khó thở.
  • Nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu) – sốt, rét run, bứt rứt, đau đầu, đau cơ, lơ mơ ngủ gà và ban ngoài da;
  • Viêm màng não (nhiễm khuẩn màng bao bọc xung quanh nhu mô não): sốt cao và đau đầu có thể xuất hiện trong vòng một vài giờ hoặc từ 1 đến 2 ngày. Các triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện bao gồm nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, cứng cổ, ăn mất ngon, rối loạn ý thức, bứt rứt, và lơ mơ ngủ gà. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng thần kinh cho trẻ.

Các khuyến cáo về việc tiêm vắc-xin

Vắc-xin ngừa phế cầu được khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng ở trẻ em và người lớn..

Vui lòng hỏi bác sĩ để biết lịch tiêm chủng vắc xin ngừa phế cầu tuỳ theo độ tuổi của trẻ.

Chủng ngừa vắc-xin phế cầu cho trẻ là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu gây ra. Những loại vắc-xin phế cầu hiện có không có khả năng bảo vệ chống lại tất cả các chủng Streptococcus pneumoniae gây bệnh, và không phải tất cả các trường hợp bệnh lý gây ra bởi Streptococcus pneumoniae đều có thể được ngăn ngừa bằng việc tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, vắc xin giúp bảo vệ chống lại những chủng phổ biến gây ra hầu hết những trường hợp bệnh lý phế cầu nặng ở trẻ em.

Những đối tượng khác cũng có thể có nguy cơ cao bị bệnh lý do phế cầu, và do đó việc tiêm vắc-xin cũng được khuyến cáo trên các đối tượng này. Vui lòng tư vấn bác sĩ về việc chủng ngừa

Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin. Hãy trao đổi với bác sỹ của bạn về những vấn đề bạn quan tâm và thông báo cho họ biết nếu bạn hoặc người thân của bạn xuất hiện các triệu chứng của các tác dụng phụ vì trong nhiều trường hợp có thể phải cần điều trị.

Hãy hỏi Bác sỹ của bạn ngay hôm nay về bệnh do phế cầu và giải pháp phòng ngừa để bảo vệ bé yêu của bạn!

Thông tin tham khảo:

Australian Government Department of Health and ageing, The Australian Immunisation Handbook, 10th edition, 2013, pp.317-337

http://www.health.gov.au/internet/immunise/publishing.nsf/Content/Handbook10-home disclaimer

(được truy cập vào tháng 06/2013)

Phế cầu khuẩn

NP-VN-GVX-OGM-220001 ADD: 09/2022