Sức khỏe của trẻ là một trong những ưu tiên hàng đầu của các bậc cha mẹ nói riêng và cả ngành y tế nói chung bởi trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều căn bệnh nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm lớn tạo thành dịch trong cộng đồng. Do đó, việc làm sao để có thể cung cấp cho trẻ những điều kiện sống tối ưu để trẻ phát triển khỏe mạnh ngay từ thuở ban đầu là việc làm rất quan trọng. Cho đến hiện nay, y học thế giới vẫn khẳng định tiêm chủng là một giải pháp hữu hiệu trong nhiệm vụ phòng tránh bệnh tật.

Tiêm chủng – giải pháp cho cộng đồng

Về bản chất việc tiêm chủng chính là sử dụng vắc-xin nhằm giúp cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó.

Vắc-xin có thể giúp bảo vệ con người khỏi nhiều loại bệnh nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, cúm, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng máu do vi khuẩn phế cầu, phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp và ung thư cổ tử cung, ung thư gan v.v. Vắc-xin giúp tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, giúp cơ thể chống lại với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.

Việc tiêm ngừa không chỉ phát huy hiệu quả bảo vệ trực tiếp trên từng cá nhân, nó còn có ý nghĩa giúp làm giảm nguồn bệnh có thể lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt ý nghĩa với trẻ em giúp tránh khỏi những căn bệnh nguy hiểm có thể mắc phải ở giai đoạn đầu đời.

Giá trị phòng bệnh bằng vắc xin ngừa phế cầu

Trên thế giới, có hơn 53 quốc gia đã áp dụng vắc-xin phế cầu trong chương trình tiêm chủng quốc gia, và kết quả đạt được rất khả quan, đó là 49 triệu trẻ em đã được tiêm chủng từ năm 2009 đến năm 2014. Số liệu thống kê năm 2015 cho thấy, vắc-xin phế cầu khuẩn đã giúp 6 đến 7.5 triệu trường hợp nhiễm phế cầu khuẩn được ngăn chặn và cứu sống khoảng 290.000 trẻ em dưới 5 tuổi.1

Tại Việt Nam, trong 25 năm qua, vắc-xin đã chứng minh được giá trị và ý nghĩa trong việc phòng bệnh; góp phần bảo vệ 6,7 triệu trẻ em Việt Nam và ngăn ngừa 43.000 trường hợp tránh khỏi các bệnh dịch có thể đe dọa tính mạng như bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt2. Lợi ích to lớn của tiêm chủng đã được cộng đồng thừa nhận, bằng chứng cho thấy ngày càng có nhiều người tham gia tiêm chủng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng hàng năm: 11 nghìn xã phường, 704 huyện của cả nước được tiêm chủng, hơn 1,5 triệu trẻ em và gần 1,6 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ hàng năm với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em.3

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 được coi là thập kỷ thành công nhất của lịch sử phát triển vắc-xin. Các vắc-xin mới là vắc-xin phòng não mô cầu, vắc xin phòng phế cầu, vắc xin phòng rotavirus, vắc xin phòng HPV phòng vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung. Tổ chức Y tế thế giới ước tính rằng nếu tất cả các vắc-xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ cao trên 90%, hàng năm dự phòng 2-3 triệu trẻ em nữa không bị chết vì các bệnh nhiễm trùng, góp phần đạt được mục tiêu của thiên niên kỷ làm giảm hai phần ba số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi vào năm 2015 so với năm 19904

Đừng làm mất cơ hội phòng bệnh bằng vắc-xin của trẻ

Giá trị của vắc-xin đến nay vẫn được các cơ quan y tế uy tín trong và ngoài nước công nhận và vẫn chưa có báo cáo y học nào được công bố về vấn đề vắc-xin không hiệu quả, kém chất lượng hay gây nguy hiểm. Do đó, tính an toàn của vắc-xin cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan, đúng đắn, tránh để những thông tin lan truyền chưa có chứng cứ y học rõ ràng gây ảnh hưởng đến niềm tin vào giá trị của vắc-xin, gây quan ngại cho các bậc cha mẹ khiến nhiều trẻ mất đi cơ hội được tiếp cận với vắc-xin để phòng bệnh.

Để kiểm soát về an toàn của vắc-xin, hiện nay Việt Nam đã có một hệ thống quản lý vắc-xin quốc gia được trang bị đầy đủ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin do Việt Nam sản xuất và sử dụng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã chính thức công nhận thành tựu của việt Nam sau cuộc đánh giá toàn diện với các chuyên gia độc lập vào tháng Tư. Ngoài ra, WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường hệ thống quản lý vắc-xin quốc gia để đảm bảo vắc-xin có chất lượng sẽ tiếp cận được tới nhiều người dân hơn bao giờ hết5

Thông tin tham khảo

1 http://www.gavi.org/results/evaluations/pneumococcal-amc-outcomes-and-impact-evaluation/ (access date: Aug 31, 2016)
2 http://tiemchungmorong.vn/vi/content/tiem-chung-mo-rong-voi-muc-tieu-thien-nien-ky-giam-ty-le-tu-vong-o-tre-em.html (access date: Aug 31, 2016)
3 http://vncdc.gov.vn/vi/tiem-vac-xin-soi-rubella-tre-1-14-tuoi/760/vai-tro-cua-vac-xin-va-tiem-chung (access date: Aug 31, 2016)
4 http://tiemchungmorong.vn/vi/content/ich-loi-va-nguy-co-cua-tiem-vac-xin.html (access date: Aug 31, 2016)
5 http://www.wpro.who.int/vietnam/mediacentre/features/oped_vaccines_vietnam/vi/(access date: Aug 31, 2016)


Code: NP-VN-GVX-OGM-220001 ADD: 09/2022